Duyên dáng làng nón Nghĩa Châu

Những chiếc nón trắng xinh xinh che nghiêng trong nắng đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng - Nam Định). Nón lá Nghĩa Châu không chỉ được tiêu thụ ở trong vùng mà còn bay xa khắp mọi miền đất nước.
gái nghĩa châu bên nón lá
Duyên dáng làng nón Nghĩa Châu - Những chiếc nón trắng xinh xinh che nghiêng trong nắng đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng - Nam Định). Nón lá Nghĩa Châu không chỉ được tiêu thụ ở trong vùng mà còn bay xa khắp mọi miền đất nước
Nghề làm nón xuất hiện ở Nghĩa Châu từ những năm 1940. Trải qua thời gian với bao thăng trầm lịch sử, nghề làm nón nơi đây không những không mất đi mà vẫn được duy trì, phát triển. Khởi đầu, trong thôn Đào Khê Thượng, Đào Khê Hạ chỉ có một vài gia đình làm nón, nhưng nay đã lan ra cả xã và các vùng lân cận.
Ban đầu nón làm ra chỉ để thực hiện chức năng thuần tuý là che mưa, nắng, phục vụ các bà, các chị ở làng quê, nhưng giờ đây nón Nghĩa Châu còn là món quà lưu niệm xinh xắn, đầy ý nghĩa cho nhiều du khách khi đến Việt Nam.
Ở Nghĩa Châu, đi đến đâu cũng gặp cảnh nhà nhà, người người làm nón. Nhìn những đôi tay thoăn thoắt, miệt mài gắn kết những chiếc lá vào vành nón mới thấy để làm ra một chiếc nón, người thợ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Những chiếc lá cọ, lá lôi được thu mua từ các tỉnh miền núi, cho vào máy vò rồi đem phơi nắng cho đến khi lá chuyển sang màu trắng ngà. Để làm phẳng, người thợ phải là lá bằng cách đặt lá lên lưỡi cày đã được hơ nóng, rồi dùng giẻ miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, nát. Tiếp đến là công đoạn lên vành. Vành nón được làm bằng cật tre hoặc nứa, mỗi nón có 16 vành, giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Sau đó lá được xếp lên khuôn, giữa 2 lớp lá nón là một lớp mo nang lạng thật mỏng. Khi khâu, người thợ phải thật khéo léo đưa mũi kim đều đặn, không bị lộ những nút nối. Cuối cùng là công đoạn viền nón.
Duyên dáng làng nón Nghĩa Châu
nón lá nghĩa châu
Điều đặc biệt ở Nghĩa Châu là từ già đến trẻ, đàn ông hay đàn bà đều thành thục nghề làm nón, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước cùng giữ gìn nghề truyền thống. Cụ Linh Văn Miễn, một người dân trong làng cho biết: “Với người dân Nghĩa Châu, làm nón không chỉ để duy trì nét đẹp truyền thống của ông cha mà còn mang lại lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm cho bà con, nhất là những lúc nông nhàn”.
Cùng với làm nông nghiệp, nghề làm nón đã giúp nhiều gia đình ở Nghĩa Châu có cuộc sống ổn định, con cái được ăn học đầy đủ. Trong tổng số 2.300 hộ dân của xã thì có tới 2.000 hộ tham gia làm nghề. Mỗi ngày, một người có thể làm được 2-3 chiếc nón, giá bán bình quân 20.000- 25.000 đồng/chiếc. Thường thì bà con mang nón ra chợ Đào Khê bán túc tắc, cũng có khi lái buôn về tận làng đặt mua. Bình quân mỗi ngày chợ Đào Khê tiêu thụ được hơn 2.000 chiếc nón lá.
Tin rằng, với lòng yêu nghề của người dân, nón Nghĩa Châu sẽ đi đến khắp mọi miền, tiếp tục tôn vinh, lưu giữ nét duyên thầm của người con gái Việt.
Bài viết đóng góp bởi : Nguyễn Minh Ly

Duyên dáng làng nón Nghĩa Châu Duyên dáng làng nón Nghĩa Châu Reviewed by Vũ Trọng Hiệp on 6:59 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.